Sau một thời gian Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “ghìm cương” được giá vàng, đưa chênh lệch giá nội – ngoại về 3 – 5 triệu đồng, thị trường tài chính lại chứng kiến cảnh giá vàng trong nước tăng nhanh hơn giá vàng thế giới, giống như con ngựa bất kham trở lại. Hiện, giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới hơn 16 triệu đồng/lượng.
Ngày 6/5/2025, báo Công an nhân dân đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Giá vàng lên ‘chót vót’, tiềm ẩn nhiều rủi ro với người mua”. Nội dung như sau:
Giá tăng vì thiếu nguồn cung
Thời gian gần đây, giá vàng trong nước liên tục duy trì mức chênh lệch khá cao với giá vàng thế giới, lên tới 17 – 19 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC. Đỉnh điểm là vào cuối tuần trước, khi cả nước đang trong kỳ nghỉ lễ 5 ngày liền dịp 30/4-1/5, trong khi giá vàng trong nước neo tại chỗ thì giá thế giới liên tục hạ, đẩy khoảng cách giá vàng nội – ngoại lên gần 20 triệu đồng/lượng. Sang ngày 5/5, giá vàng trong nước giảm, ngược chiều tăng với giá vàng thế giới, khiến mức đắt đỏ của vàng trong nước so với thế giới được rút ngắn. Với mức giá bán ra là 120,3 triệu đồng/lượng, giá vàng trong nước giảm về hơn 16 triệu đồng/lượng.
Giá vàng liên tục tăng cao, tình trạng xếp hàng mua vàng lại tái diễn. Tuy nhiên, không ít cửa hàng vàng đã từ chối bán, với lý do hết cung vàng miếng SJC, một số cửa hàng có bán ra nhưng cũng “nhỏ giọt” 1 vài chỉ mỗi khách. Trước diễn biến này, tại báo cáo gửi Quốc hội mới đây, NHNN cho biết, trong những tháng đầu năm 2025, giá vàng thế giới liên tục phá vỡ mức kỷ lục trước đó.
Nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng quốc tế tăng là do bất ổn chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược gia tăng trên phạm vi toàn cầu như xung đột quân sự Nga – Ukraine kéo dài, kéo theo đó là các biện pháp trừng phạt, trả đũa lẫn nhau về kinh tế, chính trị giữa Nga với Mỹ và đồng minh; xung đột quân sự giữa Israel và các quốc gia, lực lượng Hồi giáo tại Trung Đông. Nhiều ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư đẩy mạnh mua vào vàng để bổ sung dự trữ ngoại hối cũng là lý do quan trọng khiến giá vàng tăng. Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng cao với các quốc gia trên thế giới đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và tăng trưởng kinh tế thế giới, khiến dòng tiền của nhà đầu tư có xu hướng đổ vào vàng…
NHNN thông tin: giá vàng miếng SJC diễn biến cùng chiều với giá thế giới. Với các giải pháp quản lý đồng bộ, cho tới đầu tháng 4/2025, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục được kiểm soát và duy trì ở biên độ khoảng 3-5 triệu đồng/lượng (tương đương khoảng 5%-7%). Đến ngày 23/4/2025, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới quy đổi ở mức ~14,48 triệu đồng/lượng (tương đương ~13,62%).
Nguyên nhân theo NHNN, chủ yếu là do tâm lý kỳ vọng việc giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong bối cảnh các chính sách thuế quan của Chính quyền Tổng thống Trump dự kiến tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu; lộ trình chính sách tiền tệ khó lường của FED; diễn biến địa chính trị thế giới căng thẳng; các cú sốc giá cả hàng hóa có thể phát sinh khiến nhu cầu mua vàng tăng.
Bên cạnh đó, nguồn cung vàng miếng trên thị trường chưa được tăng thêm từ đầu năm 2025 đến nay, thị trường ngoại hối và thị trường vàng tương đối ổn định nên từ đầu năm 2025 đến nay, NHNN không phải can thiệp thị trường. “Ngoài các nguyên nhân trên, không loại trừ nguyên nhân có một số doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng tình hình biến động của thị trường để đầu cơ, thổi giá, trục lợi”, NHNN nhận định.
Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng mặc dù giá vàng trong nước tăng cao, tuy nhiên những biến động này trước mắt chưa ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng trong nước và quốc tế, phối hợp với các cơ quan hữu quan để tăng cường công tác quản lý và có biện pháp ổn định thị trường vàng theo thẩm quyền.
NHNN cho biết sẽ khẩn trương sửa Nghị định về quản lý thị trường vàng.
Người mua vàng chịu rủi ro kép ?
Thực tế, giá vàng tăng nóng trong thời gian qua đã giúp các doanh nghiệp kinh doanh vàng thu lợi. Tại SJC, theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, doanh thu của doanh nghiệp này đạt hơn 32.190 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 283 tỷ đồng, mức cao nhất trong 10 năm qua và cao gấp gần năm lần so với con số gần 61 tỷ đồng của năm 2023.
Còn tại PNJ, báo cáo tài chính cho thấy từ năm 2019 đến nay, PNJ luôn duy trì lợi nhuận sau thuế trên 1.000 tỷ đồng mỗi năm và năm 2024 đã chính thức vượt mức 2.000 tỷ đồng (đạt 2.113 tỷ đồng, tương đương gần 5,8 tỷ đồng mỗi ngày), doanh thu kỷ lục hơn 37.823 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong báo cáo vừa gửi cổ đông, PNJ cho biết quý I/2025 dù lợi nhuận giảm do doanh thu giảm vì khan vàng, nhưng biên lợi nhuận gộp trung bình trong quý I của PNJ vẫn đạt 21,3%, tăng so với mức 17,1% cùng kỳ năm 2024.
Trong khi đó, khách hàng đang gánh chịu những rủi ro lớn khi tham gia vào thị trường vàng. Khi giá vàng tăng, các nhà vàng luôn “kê” bộ đệm phòng rủi ro của mình một lớp “siêu dày”, kéo chênh lệch mua bán lên tới 4 – 5 triệu đồng/lượng. Có thể thấy rõ điều này sau những đợt biến động giá sốc của thị trường vàng. Ví dụ ngày 19/4, một ngày sau chỉ đạo từ Chính phủ yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra thị trường vàng, không để xảy ra việc trục lợi, thao túng, làm giá, đầu cơ… giá vàng đã quay đầu giảm sâu.
Cụ thể, trong khi giá vàng sáng 18/4 lên đến 122,5 triệu đồng/lượng, thì tính đến chiều 19/4, giá vàng chỉ còn 115 triệu đồng/lượng chiều bán ra, còn chiều mua vào chỉ còn 111 triệu đồng/lương, chênh lệch mua bán bị đẩy lên tới 4 triệu đồng/lượng. Điều này đồng nghĩa những người “đu đỉnh” mua vào lúc 122,5 triệu đồng/lượng, thì chỉ sau 1 đêm ngủ dậy, đã “thủng túi” tới 11,5 triệu đồng/lượng.
Với diễn biến này, khách hàng mua vàng đang chịu sự rủi ro nhân đôi: 1 mặt chịu sự rủi ro về giá theo sự “nóng – lạnh” của thị trường thế giới, một mặt chịu thêm sự rủi ro do các doanh nghiệp làm giá đẩy sang. Chịu “một cổ 2 tròng”, người mua vàng chẳng khác gì đu dây trên vực. Phía cơ quan quản lý là NHNN thì cho rằng thị trường vàng vẫn chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối. Bên cạnh các giải pháp từ phía NHNN, để ổn định thị trường vàng một cách bền vững cần có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
NHNN cho biết sẽ khẩn trương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan (Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính…) để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối, mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường. Kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập, vi phạm để xử lý nghiêm theo thẩm quyền và báo cáo các cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý phù hợp.
Nguồn: https://cand.com.vn/Thi-truong/gia-vang-len-chot-vot-tiem-an-nhieu-rui-ro-voi-nguoi-mua-i767374/